Ngày nay, ai cũng cho rằng muốn sống tốt ở đời thì phải biết khôn ngoan, thậm chí luồn lách một chút. Nhiều người vì thế mà không từ thủ đoạn, chỉ cốt sao chiếm lấy phần lợi về mình. Điều ấy liệu có hoàn toàn đúng?
Một người bạn đã lâu không gặp của tôi từ Mỹ trở về, trong lúc trò chuyện vui vẻ có nhắc đến mấy điều mắt thấy tai nghe trên xứ người. Ở Mỹ, rất nhiều siêu thị đều phát hành thẻ thành viên với quy định: Miễn phí lần đầu làm thẻ, đến khi hết hạn phải đóng phí gia hạn thẻ.
Thường thì đa số người Mỹ đều sẽ gia hạn thẻ, nhưng người bạn này lại nghĩ ra một cách xử lý rất quái chiêu. Anh yêu cầu nhân viên hủy chiếc thẻ đầu tiên, sau đó làm lại một chiếc thẻ hoàn toàn mới. Như vậy, anh không cần phải tốn phí gia hạn thẻ nữa.
Trước tình huống oái oăm này, nhân viên siêu thị không thể nói gì, nhìn anh chằm chằm như nhìn người ngoài hành tinh, bỗng chốc trở nên hồ đồ, không biết phải xử lý ra sao. Cuối cùng, anh ta đành bất lực, đem tiền riêng của mình giúp người bạn tôi thanh toán phí gia hạn.
Kể hết câu chuyện, bạn tôi cười lớn, tỏ vẻ đắc thắng, vỗ đùi đen đét: “Anh xem người Mỹ có phải quá ngốc nghếch rồi không?”.
Một người bạn khác vừa từ Úc về, lại kể cho tôi nghe một chuyện khôn lỏi như vậy nữa.
Cảnh sát ở Úc có ý thức phục vụ rất cao. Một số khách du lịch hiểu điều này nên đã nghĩ ra một số thủ thuật. Chỉ cần bạn cầm một tấm bản đồ, đi tìm cảnh sát, sau đó giả vờ ngây ngô nhìn họ, nói ra một tràng tiếng Anh nghe không hiểu, cảnh sát sẽ dùng xe đưa bạn đến nơi mình muốn đến.
Những vị khách ấy khi trở về đều rất tự hào, thậm chí còn tổng kết kinh nghiệm của mình, đăng lên mạng như một dạng “kế sách”, chia sẻ cho bè bạn. Nhiều người đã hùa theo và còn chế giễu cảnh sát Úc hồ đồ, ngốc nghếch. Sau này, cảnh sát Úc nhìn thấy khách du lịch Trung Quốc đều kiêng kị, e dè. Một số cảnh sát còn bỏ tiền ra học tiếng Trung để tiện ứng phó.
Chiếm tiện nghi của người khác, trục cái lợi nhỏ thì cho là thông minh, gian trá, xảo quyệt thì cho là có năng lực. Đây chính là tâm bệnh nan y của người Trung Quốc hiện đại. Người Trung Hoa cổ đại thực sự không có loại tính cách ấy. Trung Quốc cổ đại cũng được gọi là “quốc gia lễ nghĩa”, được cả thế giới thán phục. Đến thời hiện đại này, mọi thứ đều trở thành đảo điên, mọi giá trị truyền thống đều đã bị đánh tráo. Một trong số đó chính là khái niệm về sự “khôn ngoan”.
Khôn vặt, thói xấu che khuất trí tuệ thực sự, phá hủy nhân cách
Cái khôn ngoan con người ngày nay nhìn nhận là làm sao luồn lách thăng tiến, đi đường tắt, làm giàu nhanh, kiếm về mối lợi thật lớn cho mình. Thực ra đó chỉ là một thứ khôn lỏi, khôn vặt, khiến trí tuệ thực sự của người ta bị vùi lấp, khiến người ta trở thành nhỏ nhen, ích kỷ.
Khôn vặt chính là lấy bản thân mình làm trung tâm mà nhìn nhận vấn đề, tuyệt đối không có chút nào nghĩ cho người khác. Những người như vậy thường tỏ ra lanh lợi, biết cách nói chuyện, làm việc thành thạo, ứng đối linh hoạt, thiên biến vạn hoá, gió chiều nào che chiều ấy.
Tuy nhiên thứ khôn vặt ấy thực chất khá thiển cận, dễ bị người khác nhìn ra. Một khi bị người khác nhìn ra, giá trị của bạn sẽ bị hạ thấp hoàn toàn. Người ta chỉ có thể hợp tác một, hai lần với bạn, khi đã nhìn thấu rồi thì sẽ mau chóng tránh xa.
Hơn nữa, làm người không nên tự cho rằng bản thân mình thông minh nhất, còn người khác đều là kẻ ngốc. Cứ nghĩ rằng tất cả chuyện trong thiên hạ đều nằm trong tay mình thì cuối cùng thông minh lại bị thông minh hại, giống như tự vác đá đập vào chân mình.
Người ta thường nói: “Người có tầm mắt và trái tim hẹp hòi thì trời đất không bao giờ là rộng lớn“. Người khôn vặt luôn chỉ chú ý đến lợi ích, làm việc thường không có nguyên tắc, tự cho rằng bản thân lợi hại, có thể chiếm được tiện nghi. Nhưng thực ra thứ quan trọng nhất họ thiếu lại chính là trí tuệ, không thể đảm bảo thành công lâu dài.
Một người quá thông minh cũng thường không thể sống lâu. Như trong “Hồng Lâu Mộng” có nói: “Người tỏ ra thông minh chính là đang đe dọa tính mạng của bản thân“. Trong “Hàn Phi Tử” cũng nói, thông minh không bằng trung thực, làm người đừng quá thông minh.
Người thông minh luôn giỏi tính toán người khác, nhưng ít khi nghĩ đến những thiếu sót của mình, đây là điểm yếu lớn nhất của họ. Người khôn ngoan chỉ mải mê lo đoạt được lợi ích, giữ được danh lợi, luôn có tâm lý đề phòng, lo sợ, cuộc sống vì thế cũng mất đi lạc thú. Trong đầu của họ luôn chỉ quanh quẩn hết ta tính toán ngươi lại đến ngươi tính toán ta, cả thân lẫn tâm đều thật mệt mỏi.
Từ bỏ “thông minh”, người khôn ngoan giữ lấy sự ngu dại
Khác với kẻ khôn lỏi, người khôn ngoan, có trí tuệ, nhân cách cao đẹp thường không biểu lộ quá nhiều, luôn rộng lượng, hào phóng, khéo léo tỏ ra bản thân vụng về, là bậc trí tuệ cao nhưng có bề ngoài tầm thường. Họ giỏi che giấu sự tính toán của bản thân, ở trên cao nhìn xuống thấp, tỉ mỉ quan sát con người và hoàn cảnh. Họ cũng giống như một giọt nước có thể xuyên qua tảng đá cứng rắn, lại có loại khí chất ung dung như ngồi trên núi nhìn hổ đấu, làm việc luôn trầm ổn.
Từ xưa, thông minh kiểu như người Trung Quốc hiện đại thường bị các nhà hiền triết bài xích. Từ “Kinh Dịch” cho đến “Đạo đức kinh”, từ Nho gia đến Đạo gia, Phật gia đều sáng suốt coi trọng đức, đạo và nhân nghĩa, coi những thủ đoạn trục lợi là trò của kẻ tiểu nhân.
Trong “Sử Ký” có chép, lúc còn trẻ Khổng Tử thỉnh giáo Lão Tử về đạo lý làm người. Lão Tử nói với ông: “Người buôn bán suy nghĩ thường thâm sâu, tính toán giỏi giang nhưng không kiêu ngạo, không tự mãn, quân tử có phẩm chất tốt đẹp thì bề ngoài đôn hậu, thật thà“.
Lão Tử nói với Khổng Tử rằng, một thương nhân có đầu óc tỉnh táo thông minh rất biết cách che giấu tài phú, của cải của mình, bên ngoài giống như trắng tay không có gì. Một người quân tử có phẩm hạnh cao thượng rất biết cách che giấu đạo đức cao thượng trong mình, bề ngoài giống như một kẻ ngu xuẩn, trì độn. Lão Tử khuyên Khổng Tử cần phải bỏ đi tính khí kiêu ngạo, bỏ đi một trái tim chứa đầy ham muốn, tham lam thì mới có thể trở thành Thánh nhân. Đây chính là đạo lý “Đại trí nhược ngu”, tức là bề ngoài tầm thường nhưng lại có trí tuệ hơn người.
Giữ vững sự chất phác, mộc mạc vốn có luôn là trí tuệ cao nhất trong triết học Trung Quốc cổ đại, cũng là đỉnh cao của nghệ thuật xử thế của người xưa. Dân gian đã tổng kết ra một kinh nghiệm là: “Người ngốc có cái phúc của người ngốc“. Người ngốc không chiếm tiện nghi của kẻ khác nên không tổn đức, thất đức, họ lại chịu thiệt, chịu khổ nên cũng sẽ được đền bù, nhận phúc báo.
Chuyện kể rằng, một hôm Nhan Uyên đến thỉnh thầy Khổng Tử về đạo lý sống ở đời, hỏi rằng: “Hồi này muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy có nên không?“.
Khổng Tử ôn tồn đáp lời: “Ngươi hỏi thế phải lắm. Nghèo mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận, không ham mê gì. Hèn mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói“.
Rốt cuộc, sự thông minh cao nhất chính là sống theo Đạo. Người thông minh tính toán, thiết kế tỉ mỉ cả trăm lần cuối cùng vẫn sẽ thua người mang trong lòng thiện tâm thuần phác. Mà lấy Thiện đãi người, khoan dung, đôn hậu, sẵn sàng chịu thiệt, biết bao dung mới là chính đạo trong nhân gian vậy.