Nhiều người vẫn nghĩ rằng ai làm sếp là làm lãnh đạo, nhưng không phải.
Hơn 10 năm trước, tôi được gởi đi học một lớp huấn luyện về kỹ năng lãnh đạo ở Australia do chuyên gia tâm lý và quản trị giảng.
Tôi rất thích lớp học hai ngày này. Một trong những điều tôi nhớ mãi là sự khác biệt giữa người làm sếp và lãnh đạo. Nhìn lại sự phát triển của viện, nơi đã làm việc gần 30 năm qua, tôi thấy sự khác biệt giữa sếp và lãnh đạo rất rõ ràng.
Có thời, viện tôi được điều hành bởi giáo sư A. Ông là người rất tài ba trong chuyên môn nội tiết học, một chuyên gia có hạng trên thế giới về lãnh vực nghiên cứu lâm sàng. Dưới thời mình, ông quyết định tất cả, các giáo sư dưới quyền chỉ làm theo ông. Ông có thói quen quản lý mà sau này được gọi là đi vào tiểu tiết.
Một hôm, ông đi làm sớm và thấy điện thoại reo, nhưng cô thư ký chưa đến. Thế là sau đó ông ra lệnh thư ký phải có mặt từ 8 giờ sáng. Ông can thiệp vào những chi tiết về chính sách cho nhân viên đi dự hội nghị, ra quy định về số tiền mà nhân viên được chi cho ăn sáng, ăn trưa và ăn tối.
Cách quản lý đó làm nhiều giáo sư “tướng lãnh” dưới quyền không hài lòng. Các giáo sư có thành tích khoa học cao hơn ông cảm thấy đó là sự xúc phạm. Một cuộc “cách mạng” xảy ra. Kết quả, chúng tôi có viện trưởng mới.
Người mới, ông B, là dân khoa học, lừng danh trên thế giới đến nỗi có mô hình DNA lấy tên ông. Ông B được tuyển từ Mỹ về Australia. Có lẽ vì ảnh hưởng phong cách Mỹ nên ông điều hành hoàn toàn khác người tiền nhiệm.
Ông đề ra tầm nhìn và sứ mệnh của viện, tái cơ cấu các chương trình nghiên cứu, và mỗi chương trình được điều hành bởi một giáo sư. Ông vận động xin tiền để mở rộng viện, lên danh sách nhân tài muốn chiêu dụ. Ông làm việc theo kiểu dung nạp, cái gì cũng bàn bạc với các giáo sư trước khi ra quyết định.
Cá nhân ông rất vui tính, hay nói đùa, hầu như bài giảng nào cũng làm người ta cười ngất vì những câu chuyện thật, nhưng đằng sau đó là bài học hay. Ông điều hành viện rất thông thoáng, thuyết phục.
Phong cách điều hành của hai giáo sư là bài học về sự khác biệt giữa sếp A và lãnh đạo B.
Ở Việt Nam, chúng ta hay gọi người quản lý là “sếp” hay “lãnh đạo” một cách không phân biệt. Nhưng thực tế, lãnh đạo ở tầm cao hơn sếp.
Rất nhiều người quản lý chỉ là sếp, chưa là lãnh đạo. Một lãnh đạo là sếp. Nhưng không phải ai làm sếp đều là lãnh đạo. Hai người này, sếp và lãnh đạo, khác nhau ở nhiều tố chất. Tôi chỉ liệt kê 5 điểm cơ bản sau:
Sếp ra lệnh, lãnh đạo gây ảnh hưởng. Sếp là người điều hành nhân viên sao cho họ tuân thủ điều lệ của tổ chức. Còn lãnh đạo khuyến khích người khác tự suy nghĩ và hoàn thành mục tiêu đề ra. Do đó, sếp hay ra lệnh cho người khác phải làm gì, còn lãnh đạo truyền cảm hứng để họ tìm ra cách làm tốt hơn.
Sếp giải thích và cầm tay chỉ việc, lãnh đạo tạo động lực. Người sếp muốn nhân viên dưới quyền hiểu rõ công việc, còn lãnh đạo yểm trợ và hướng dẫn cấp dưới tự giải quyết vấn đề. Lãnh đạo khuyến khích và giải thích cho cấp dưới rằng công việc của họ là quan trọng, làm người dưới quyền cảm thấy hào hứng về việc họ làm.
Sếp duy trì kỷ luật, lãnh đạo hướng dẫn. Bất cứ ai cũng có sai lầm, và ứng xử với sai lầm là kỹ năng phân biệt giữa sếp và lãnh đạo. Sếp có thể sử dụng hệ thống phạt để ngăn chặn những sai sót, nhưng lãnh đạo nhận thức rằng nếu nhân viên làm tốt, họ phải được ghi nhận và biểu dương.
Sếp giao công việc, lãnh đạo trao quyền. Sếp thường tập trung vào các mục tiêu trước mắt của cơ quan hay tổ chức, thường suy nghĩ ngắn hạn. Họ chỉ muốn đạt ngay các chỉ tiêu và do đó, có thể sốt sắng can thiệp vào công việc của cá nhân. Họ có xu hướng quản lý theo tiểu tiết, quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt của nhân viên. Ngược lại, lãnh đạo đề ra tầm nhìn và đặt mục tiêu lâu dài. Họ dấn thân bằng cách làm gương, tạo cảm hứng để người khác tự phát triển. Họ luôn sẵn sàng giao quyền và tránh việc quản lý vi mô.
Sếp đứng trên cộng sự, lãnh đạo đứng chung cùng đội ngũ. Nhiều người sếp chẳng cần quan tâm đến nhân viên hay biết ai là ai, vì họ nghĩ rằng mình là cấp trên. Còn lãnh đạo lại tìm cách xoá bỏ đẳng cấp và thứ bậc trong tổ chức, tự xem mình là một thành viên của đội và tất cả bình đẳng với nhau. Người lãnh đạo xây dựng mối liên hệ tích cực với nhân viên, làm việc cùng họ và tạo ra kênh liên lạc mở cho mọi người.
Còn nhiều khác biệt giữa sếp và lãnh đạo về phong cách cá nhân. Chẳng hạn như sếp thích nói về tài năng của mình nhưng khi có vấn đề lại đổ lỗi cho người khác, còn lãnh đạo thích nói về đồng đội và nhận trách nhiệm khi có vấn đề. Sếp do đó thích phê bình người khác, lãnh đạo lại khuyến khích khi có dịp. Sếp rất trọng “cái tôi” và thường tỏ ra ta đây mạnh mẽ, còn lãnh đạo sẵn sàng chia sẻ sự mong manh và bất định cùng đồng đội.
Tôi thấy nhiều người Việt Nam dùng chữ “sếp” và “lãnh đạo” khá tuỳ tiện. Nhưng nếu quan sát kỹ, đa số họ chỉ là sếp chứ chưa phải lãnh đạo. Ít người chịu trách nhiệm, nhiều người hay đổ thừa. Ví dụ, khi có đại biểu Quốc hội chất vấn về mất rừng, một vị bộ trưởng từng trả lời “đó là do Mỹ rải chất độc hoá học”.
Nhiều cấp quản lý thấp hơn cũng chỉ lo những việc nhỏ nhặt, ít khi nào chú ý đến hệ quả lâu dài. Nhiều người chỉ làm sao để đạt chỉ tiêu cấp trên đề ra, và cấp trên cũng lại bị ràng buộc bởi chỉ tiêu từ cấp trên nữa. Hậu quả là tổ chức thiếu tầm nhìn rộng lớn của lãnh đạo, chỉ quanh quẩn trong phạm vi của sếp. Điều này rất dễ thấy khi đọc các phát biểu về tầm nhìn và sứ mệnh, chiến lược của các cơ quan, viện nghiên cứu, đại học… Chúng thường mang tính ngắn hạn, hiếm thấy những ước mơ lâu dài.
Kỹ năng lãnh đạo thời nay rất quan trọng, bởi khái niệm “công việc trọn đời” không còn nữa. Hầu như tất cả chức vụ đều có nhiệm kỳ. Và người lãnh đạo thường để lại một di sản sau khi họ rời chức vụ.
Sếp và lãnh đạo là hai phiên bản khác nhau ở tầm nhìn, phong cách và tố chất truyền cảm hứng. Mặc dù cả hai đều có trách nhiệm điều hành một tổ chức, nhưng nếu áp dụng những khác biệt về tố chất, tất cả lãnh đạo đều có mẫu số chung: họ tạo điều kiện để người dưới quyền phát huy và thành công.
Lãnh đạo thật sự là người kiến tạo môi trường làm việc để những thành tựu và sáng tạo cá nhân tỏa sáng. Như giáo sư B ở trên là tạo nên môi trường an toàn về tâm lý, nơi nhân viên phạm sai sót chịu trách nhiệm và học hỏi từ sai sót mà không bị đau khổ bởi những “hình phạt”.
Mọi doanh nghiệp, cơ quan công quyền và mỗi chúng ta đều cần lãnh đạo hơn cần sếp.
Nguồn: https://vnexpress.net/sep-va-lanh-dao-4293644.html