‘Synergy phải thấm nhuần đến mọi cấp’

“FPT hợp lực (synergy) lần đầu vào năm 1995. Nhưng đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc: Synergy là gì? Có nhất thiết phải synergy?”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) Đỗ Cao Bảo chia sẻ trong chương trình Leader Talk diễn ra tại tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, ngày 25/8.

Quân đội là tổ chức synergy tuyệt vời nhất
Trong quân đội, để tiến hành một chiến dịch hay một trận đánh lớn, rất nhiều đơn vị được tập hợp để cùng tham gia tác chiến, đặc biệt là sự tham gia của các Quân, Binh chủng phối hợp với Bộ binh. Việc liên kết này trong quân đội được gọi bằng một khái niệm - Hiệp đồng binh chủng. Còn trong doanh nghiệp, nó được gọi bằng cái tên Synergy.

Mỗi nước có một thể chế chính phủ, một cơ cấu xã hội khác nhau, tuy nhiên tổ chức quân đội lại giống nhau, phân tầng thành những đơn vị cơ bản như: tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn,… Với tổ chức như vậy, khi cần sẽ phối hợp với nhau, hiệp đồng binh chủng trong các trận đánh lớn, độc lập tác chiến trong những trận đánh vừa và nhỏ, phù hợp với quy mô. Synergy một cách linh hoạt, tùy hoàn cảnh. Đó là một trong những vấn đề doanh nghiệp vẫn còn rất lúng túng, trong khi quân đội lại giải quyết rất dễ dàng.

Từ đó, anh Bảo đã dẫn ra một điển hình của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng đó là chiến thắng lừng lẫy của chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch cuối cùng của cuộc tổng tiến công, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Đó là một điển hình của loại hình chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, với đặc trưng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, giành thắng lợi hoàn toàn, triệt để, trong thời gian ngắn.

Từ Việt Nam, anh Bảo mở rộng ra các tập đoàn hàng đầu thế giới đã và đang synergy như thế nào. Đó là trường hợp của Oracle và Sun. Khi Oracle thông báo bắt tay với Sun, dường như giới công nghệ quan tâm nhiều đến số phận ngôn ngữ lập trình Java và công nghệ Solaris của Sun. Họ phỏng đoán, Oracle sẽ “nuốt chửng” Sun và như thế phân khúc phần cứng của Sun sẽ biến mất.

Thế nhưng, Oracle vẫn tiếp tục kinh doanh phần cứng và đồng thời tập trung phát triển các bộ vi xử lý Sparc của Sun. Oracle và Sun đã đồng phát triển một kho cơ sở dữ liệu và máy chủ xử lý giao dịch trực tuyến mới, với tên gọi Exadata Database Machine 2 vào tháng 9/2009. Đây là sự kết hợp phần mềm lưu trữ và cơ sở dữ liệu của Oracle với các công nghệ bộ nhớ flash từ Sun.

Bên cạnh đó, Oracle tuyên bố không hỗ trợ máy chủ XP chạy trên cơ sở dữ liệu của Oracle và chỉ hỗ trợ máy chủ Sun. Chính vì thế XP bị dồn vào thế bí, thị phần sụt giảm đáng kể. Đó là cơ hội để đẩy thị phần máy chủ Sun đi lên. Oracle đã hi sinh lợi ích chung của cả tập đoàn, để hỗ trợ vực dậy Sun. Đấy là bằng chứng rõ ràng của sự đồng tâm hiệp lực, cứu giúp người nhà của một trong những tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới.

Tiếp đến là thương hiệu IBM với chặng đường 100 năm trên các lĩnh vực: sản xuất phần cứng, phần mềm máy tính, cơ sở hạ tầng, dịch vụ máy chủ và tư vấn trong nhiều lĩnh vực từ máy tính lớn đến công nghệ nano. Quá trình phát triển của IBM là sự hỗ trợ không ngừng giữa các mảng kinh doanh. Ký hợp đồng với IBM đồng nghĩa phải chấp thuận sử dụng các sản phẩm từ phần cứng, phần mềm đến dịch vụ của họ. Cứng nhắc và kiên định, triết lý kinh doanh đó đã giúp IBM trở thành một khối vững chắc và bền bỉ trên thị trường công nghệ.

Synergy xuất phát từ nhu cầu thực tiễn
Được đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị chiến lược FPT 2009 ở Đồ Sơn (Hải Phòng), đến nay đã hai năm thực hiện, thế nhưng người FPT vẫn cho rằng synergy còn xa lạ lắm. Thực tế, FPT đã synergy từ năm 1995.

Năm 1994, FPT IS cung cấp, triển khai thành công hệ thống máy chủ và giải pháp Retail cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chính thức ra đời sản phẩm SIBA cho các ngân hàng thương mại. Đặc điểm của sản phẩm phần mềm này là thiết kế đơn giản hướng tài khoản, nội dung viết để phục vụ quy trình hiện thời, tin học hóa một số khâu, không đồng bộ, xử lý phân tán, chủ yếu dùng trong việc quản lý tài khoản khách hàng… SIBA ngày càng lạc hậu không theo kịp sự phát triển như vũ bão của hệ thống ngân hàng.

“Nhiệm vụ của lãnh đạo là làm sao tư tưởng synergy phải thấm nhuần đến tất cả các cấp”. Ảnh: Tuấn Anh.
“Nhiệm vụ của lãnh đạo là làm sao tư tưởng synergy phải thấm nhuần đến tất cả các cấp”.

“Một nhóm gồm Thành Nam (nay là CT HĐQT FPT Software), Khắc Thành (Hiệu phó ĐH FPT), Lâm Phương (Phó TGĐ FPT Software) và tôi đã muốn phát triển phần mềm mới cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cuối cùng đã lựa chọn SilverLake của Malaysia. Thế là, do nhu cầu mà hợp lực, tôi được giao nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng, anh Lê Quốc Hữu (FPT IS) nghiên cứu máy chủ iSeries AS400, anh Thành Nam nghiên cứu SilverLake. Sang năm 1995, cả đội hì hục đi thuyết phục Vietcombank dùng SilverLake thay Core Banking và mua máy chủ. Kết quả, thương vụ đầu tiên FPT bán được 40 máy chủ iSeries AS400 với giá 1.250.000 USD còn phần mềm Silverlake bán được 1.600.000 USD. Từ chiến tích đó, có thể thấy kinh doanh, phần cứng và phần mềm trong Tập đoàn đã phối hợp với nhau để làm nên một thương vụ lớn ngay sau khi Việt Nam vừa được phá bỏ cấm vận năm 1994”, anh Bảo nhớ lại.

Synergy không phải là một thứ “từ trên trời rơi xuống”. Ngày trước, FPT có quy mô nhỏ, tất cả như trong một gia đình, thành viên nào có nhu cầu phát triển thì tự biết tìm đến liên kết hợp tác với những thành viên khác. Tuy nhiên, ngày nay, sau 23 năm phát triển đa lĩnh vực, với nhân sự hơn 12.000 người, FPT đã lớn mạnh. Càng phát triển, giống như lực ly tâm các công ty càng xa nhau. Chính vì thế mà cần synergy hơn lúc nào hết.

Anh Bảo cũng nhấn mạnh: “Synergy là nhu cầu tự thân, xuất phát từ thực tiễn nhu cầu kinh doanh của mỗi đơn vị. Đánh trận lớn thì hợp lực, đánh trận nhỏ thì chủ động. Nhờ synergy, chúng ta làm được những điều vượt khỏi khả năng của chúng ta”.

Gói thầu triển khai hệ thống giải pháp CNTT cho ngành thuế (PIT) có giá trị hơn 15 triệu USD một lần nữa chứng minh synergy là phương thức tập hợp sức mạnh tổng lực hiệu quả nhất của FPT. PIT là dạng dự án “chìa khóa trao tay”, làm tổng thể dự án từ tư vấn, triển khai, lắp đặt hệ thống CNTT, thực hiện quản lý thay đổi bao gồm truyền thông, đào tạo, triển khai và hỗ trợ. Mục tiêu cuối cùng là cung cấp cho khách hàng một hệ thống thông tin đầy đủ và người sử dụng cũng được đào tạo đầy đủ khi tiếp nhận hệ thống mới.

46 chuyên gia tinh nhuệ nhất của FPT đến Công ty TNHH Giải pháp Tài chính công FPT (FPT IS PFS), Trung tâm Hạ tầng Công nghệ FPT (FIS INF) và FPT Software hợp lực để viết 5.330 trang giải pháp, thắng được dự án lịch sử này về cho FPT.

“Synergy có thể ở tất cả các cấp, ở mọi lĩnh vực. Càng cấp nhỏ vấn đề hợp lực càng dễ dàng. Càng lên cao, kéo theo sự to lớn về quy mô và đông đúc về nhân sự hợp lực vì thế càng khó hơn”, anh nhận định.

Liên tưởng với động tác “tưới nước trồng cây, nếu chỉ thấm ở lớp trên, chỉ cần một lúc đứng nắng, nước bốc hơi, cây lại khô cằn, muốn cây tươi tốt phải tưới thật thấm, thật sâu”, anh Bảo cho rằng: “Tư tưởng chưa thấm nhuần đến tất cả các cấp, mới đang hình thành ở lãnh đạo cấp cao, còn chưa đến được với các cấp thấp hơn. Càng xuống cấp thấp, tính lợi ích của tập đoàn càng bị giảm nhẹ và chỉ thấy lợi ích cục bộ. Và nhiệm vụ của lãnh đạo là làm sao tư tưởng synergy phải thấm nhuần đến tất cả các cấp”.

Synergy không dễ thực hiện, nói như anh Trương Gia Bình, đó là “chúng ta có thể hợp tác sòng phẳng với bên ngoài nhưng lại khó khăn khi hợp tác với bên trong”. Dù khó, nhưng theo anh Bảo, synergy là hoạt động để giúp nhau cùng phát triển, và nhìn từ khía cạnh này, Tập đoàn cần sớm có cơ chế cụ thể hơn nữa để thực hiện synergy mạnh hơn.